Mỗi thị trường có những cách làm marketing riêng và việc điểm qua những xu hướng nổi bật nhất cho phép chúng ta có một cái nhìn bao quát hơn về thế giới marketing “phẳng mà không phẳng”, chọn ra cách làm hiệu quả nhất cho doanh nghiệp của mình trong năm 2024. Chúng ta hãy cùng điểm ra 3 xu hướng marketing nổi bật năm 2024 trên 4 thị trường khác nhau nhé.
THỊ TRƯỜNG 1: THẾ GIỚI
3 xu hướng marketing nổi bật của thế giới năm 2024 bao gồm:
1. Mobile-Centric
Hầu như mọi hoạt động marketing ngày nay đều tính toán đến việc tối ưu cho người dùng trên thiết bị di động. Ngay cả những hoạt động marketing truyền thống như quảng cáo trên báo giấy hay quảng cáo ngoài trời, billboard cũng tính toán để mẫu quảng cáo khi đưa lên mobile sẽ hiển thị tối ưu, mang lại hình ảnh đồng nhất về thương hiệu đến cho khách hàng cho dù là trong nhà, ngoài trời hay trên mobile. Một ví dụ khác là quảng cáo bằng tin nhắn SMS cũng đưa các đường link vào tin nhắn để người nhận có thể click và truy cập vào nội dung ngay trên mobile.
Xu hướng Mobile-Centric phát triển ngày càng mạnh mẽ nhờ vào công nghệ: thiết bị di động ngày càng rẻ và mạng internet ngày càng nhanh giúp cho số lượng người tiêu dùng tiếp cận với các thông quảng cáo và tiếp thị tăng lên không ngừng.
2. Data Informed Decision Making
Xu hướng nổi bật thứ hai là sử dụng dữ liệu lớn – Big Data để ra các quyết định liên quan đến hoạch định và thực thi hoạt động marketing. Kết hợp với các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI), ví dụ như Watson Marketing của IBM, các công ty lớn thu thập dữ liệu về khách hàng và thị trường từ mọi lúc, mọi nguồn và tiếp thị đến khách hàng Đúng người – Đúng chỗ và Đúng lúc
Bạn có thể xem thêm ví dụ về cách sử dụng trí tuệ nhân tạo trong marketing tại bài viết Cách mạng công nghiệp 4.0
3. Email Marketing
Email được sử dụng từ 1971. Đến nay, nó không lạc hậu chút nào mà ngày càng mạnh mẽ và đóng vai trò quan trọng hơn trong marketing. Email được đánh giá là kênh hiệu quả bậc nhất về chi phí khi mà các kênh khác như chạy Ads (quảng cáo) và SEO (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm để khách hàng tìm thấy bạn khi search internet) ngày càng trở nên đắt đỏ và phải luôn chạy theo sau những gã khổng lồ như Google, Facebook… khi những hãng lớn này thay đổi thuật toán hoặc thay đổi “luật chơi”.
Mỗi doanh nghiệp sử dụng Email Marketing theo cách khác nhau phù hợp với mình nhất. Từ cách đơn giản như gửi một email hỏi thăm khách quen của một bà mẹ bỉm sữa bán bánh ngọt home-made cho đến những chương trình tự động gửi email đến hàng triệu khách hàng trên toàn cầu của các công ty lớn, email được sử dụng trong tiếp thị và bán hàng ngày càng nhiều hơn và ngày càng chuyên nghiệp hơn.
Hiện nay, mỗi ngày trên thế giới có hơn 200 tỷ email được gửi đi. Nếu gửi bằng thư giấy, số thư này sẽ nặng tổng cộng 200,000,000,000 x 20gram/thư = 4 triệu tấn/ngày (!).
Nếu doanh nghiệp của bạn chưa sử dụng email marketing, hãy hỏi một marketing agency cách làm. Có khi hiệu quả mang lại là rất lớn trong khi chi phí lại rất rẻ. Ví dụ như dịp Tết Tây hay Tết Ta sắp đến, bạn có thể gửi thiệp Tết qua email cho hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn khách hàng từ trước tới nay của công ty với chi phí chỉ vài trăm ngàn VND.
Bằng cách này bạn sẽ biết được báo cáo chi tiết những ai đã nhận mail, ai đã mở ra đọc và ai cho mail của công ty mình vào Spam, ngày nào và giờ nào? Ai đã bấm vào chương trình khuyến mãi bất kỳ nà đó của công ty được gửi kèm trong email.
Chắc chắn thư ký của bạn hoàn toàn có thể in cho bạn báo cáo chi tiết trên thì chúc mừng bạn! Công ty của bạn nằm trong số Top 3% các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng email marketing để chăm sóc khách hàng và làm tiếp thị một cách chuyên nghiệp và hiệu quả.
THỊ TRƯỜNG 2: VIỆT NAM
3 xu hướng marketing nổi bật của Việt Nam năm 2024 bao gồm:
1. Yes – Mobile-Centric Again
Thị trường Việt Nam cũng cùng với xu hướng Mobile-Centric của thị trường thế giới. Để sở hữu một chiếc smartphone rẻ nhất, người Việt chỉ cần bỏ ra chưa đầy 50$ và có thể sử dụng internet để lướt web xem tin tức và lên mạng xã hội. Đây là những kênh lý tưởng để làm marketing với vô số hình thức.
Marketing hướng đến mobile tại Việt Nam có thêm một số đặc điểm khác hơn so với thế giới nói chung:
- Truy cập Wifi thuận tiện: So với các nước phát triển, người tiêu dùng Việt Nam sử dụng Wifi để truy cập internet rất dễ dàng qua các quán cafe với giá chỉ 10-12k/ly. Thậm chí quán trà chanh cũng có Wifi! Còn Wifi trên xe khách đường dài cũng ngày càng phổ biến. Du khách nước ngoài đến Việt Nam đặc biệt “khoái” điều này.
- Tỷ lệ người dùng mobile cao cấp tính trên tổng số mobile cao hơn nhiều nước trong khu vực: Người Việt sẵn sàng đầu tư nhiều tiền để mua mobile cao cấp -> máy cao cấp sẽ hiển thị đẹp hơn và tác động đến hành vi mua sắm của người dùng. Amazon đã thống kê và thấy rằng từ khi có smartphone màn hình đẹp (iPhone 3 trở đi), lượng hàng hóa bán qua kênh mobile tăng lên rõ rệt. Ngày nay, hình ảnh quảng cáo trên mobile thường đẹp hơn hẳn sản phẩm thật ở ngoài và người mua có xu hướng thích người bán chụp hình thật không quả xử lý khi mua bán trực tiếp C2C (customer to customer).
- Việc tuân thủ các quy định về sở hữu trí tuệ còn lỏng lẻo: So với các nước phát triển, cả kênh mobile nói riêng và trên tất cả các kênh nói chung. Thực tế này khiến cho các công ty làm marketing chính thống rất vất vả. Còn các “business” nhỏ nhỏ thì không đủ nguồn lực để lo tới vụ to tát này nên tặc lưỡi: “mình thích thì mình làm thôi”.
2. Social Marketing – Mạng xã hội
Chúng ta đang quen thuộc nhất với các mạng xã hội Facebook hay Zalo. Nhưng còn có những mạng xã hội khác vẫn đang “chạy ầm ầm”. Năm 2016, video ca nhạc Luật nhân quả đạt hơn 91 triệu lượt view trên YouTube, tức là chia trung bình ra thì người Việt nào cũng coi clip này ít nhất 1 lần. Marketer nào chả muốn SP/DV của mình được tới 91 triệu lượt xem!
Trong khi Fabebook không nói với chúng ta người Việt xem gì, hay comment post nào nhiều nhất trên Facebook thì YouTube cho những con số thống kê rất cụ thể. Bạn thử search “Người Việt thích xem gì nhất trên Youtube” và sẽ ra được những con số thống kê rất “thú vị”. Có thể nhiều người trong chúng ta chưa biết, YouTube cũng là một dịch vụ của Google.
Kênh Social cho phép mọi cá nhân và doanh nghiệp có thể bắt đầu marketing với chi phí bằng 0. Do đó không có gì lạ khi xu hướng Social Marketing đã – đang và sẽ tiếp tục nổi bật ở Việt Nam.
Quay trở lại Facebook, đây là kênh có độ phủ rộng nhất trong các mạng xã hội hiện nay và cũng là “con dao hai lưỡi”. Một là tỷ lệ “chạm” – reach đến khách hàng ngày càng thấp với những thuật toán liên tục cập nhật của Facebook để hạn chế quảng cáo kiểu viral – tự nhiên và “ép” doanh nghiệp trả tiền để chạy Ads. Hai là chi phí quảng cáo ngày càng tăng. Ba là mối “nguy hiểm chết người” khi sử dụng Facebook để làm marketing, đặc biệt là đối với doanh nghiệp khởi nghiệp.
3. Traditional Marketing – Các phương thức tiếp thị truyền thống
Với những đặc điểm của Việt Nam là quốc gia đang phát triển, 80% dân số sống ở nông thôn và diện tích địa lý trải dài từ Bắc vào Nam, các công ty lớn vẫn chọn tiếp thị truyền thống là kênh chủ đạo, đặc biệt là đối với hàng tiêu dùng. Với những SP/DV phục vụ sản xuất kinh doanh như phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc và nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, các kênh hiện đại như Social gần như “không có cửa”. Ở một số ngành hàng, việc mua bán, phân phối còn phụ thuộc vào tín dụng, cho vay (người bán cho đại lý / người mua nợ) nên lúc này, các yếu tố “lý thuyết” của marketing như 4P, 7P hay Branding bị mờ nhạt đi.
THỊ TRƯỜNG 3: DOANH NGHIỆP KHỞI NGHIỆP VIỆT2019
Năm 2016 vừa qua, có hơn 110.000 DN đăng ký thành lập mới trên cả nước, trung bình mỗi ngày có 301 DN ra đời. Doanh nghiệp mới ra đời nhiều nghĩa là hoạt động sales & marketing cũng đẩy mạnh. Và cạnh tranh cũng sẽ quyết liệt vì một trong những cách làm “dễ nhất” được nhiều người nghĩ đến đầu tiên là cạnh tranh bằng… giá! Trong khi thị trường thì đã nâng tầm và quan tâm về chất lượng và dịch vụ đi kèm.
Thị trường mà DN khởi nghiệp phải cạnh tranh không chỉ bao gồm các DN khởi nghiệp khác mà còn các đối thủ cạnh tranh khác với những lợi thế khác nhau:
- Doanh nghiệp nước ngoài với lợi thế nguồn vốn lớn, làm thị trường bài bản và sử dụng nguồn nhân lực cao cấp. Các DN nước ngoài lấn sâu vào thị trường Việt Nam trong mọi ngõ ngách, giành khách của cả dì Tư bán tạp hóa lẫn chú Tám chạy xe ôm.
- Doanh nghiệp trong nước đang hoạt động với thị phần sẵn có và máy móc, thiết bị sản xuất đã khấu hao cho phép giảm giá thành thấp nhất. Họ có khả năng vay vốn ngân hàng và có khả năng chịu lỗ một thời gian trong cuộc chiến về giá với các DN Khởi nghiệp.
- Cá nhân kinh doanh không đăng ký. Các business thuộc mảng này cực kỳ linh hoạt, có thể lên website bán hàng chỉ trong một đêm, giảm giá từ kịch sàn đến dưới sàn và có khả năng bình thản đi qua rất nhiều rào cản mà doanh nghiệp đăng ký chỉ có thể đứng nhìn như quy định của nhà nước, bảo hộ bản quyền và kể cả đạo đức kinh doanh… Một ví dụ nhỏ như hình minh họa bài này đang lật ngược lại để thu hút sự chú ý. Nếu trong doanh nghiệp lớn thì mẫu quảng cáo này phải được duyệt tới duyệt lui và tính toán xem cách lật hình như vậy có chấp nhận được với hình ảnh & branding của công ty hay không thì ở đây, “mình thích thì mình làm thôi!”
- Trang bị hàng hóa xách tay, hàng nhập không chính ngạch và hàng fake các thể loại, các business kinh doanh tự do đang chơi cuộc chiến tranh du kích với tất cả các doanh nghiệp còn lại. Những “chiến sĩ bán hàng online” có khi ban ngày vẫn là nhân viên bình thường của một công ty và ngáp ngắn ngáp dài suốt buổi, hết giờ về nhà là lập tức tỉnh như sáo, lên mạng chạy Ads, bán hàng, ship hàng… nhanh như Amazon. Một đôi giày thể thao hàng hiệu có thể được bán với giá vài trăm ngàn cho hàng fake cho đến giá trên dưới 1 triệu cho hàng được giới thiệu là “lấy từ nhà máy ra”. Các hãng lớn như Nike, Adidas không quan tâm lắm v/v này vì thị trường Việt Nam vẫn còn rất nhỏ trong thị trường toàn cầu của họ. Nhưng những công ty giày dép trong nước đã phải đầu tư hàng triệu US$ cho máy móc thiết bị, khuôn mẫu, thiết kế thì bị ảnh hưởng nặng nề: thị phần giày thể thao với mức giá 500-700.000/đôi, vốn không nằm trong phân khúc cạnh tranh với các hãng nước ngoài, thay vì mang lại doanh thu và công ăn việc làm cho người Việt thì lại mang doanh thu và việc làm cho các xưởng sản xuất giày hàng fake ở nước khác!!!
Trong bức tranh chung đó, các xu hướng marketing được Doanh nghiệp Khởi nghiệp ưa chuộng gồm:
1. Mạng xã hội
Với các đặc điểm: nhanh, dễ làm, dễ học, dễ vào và cũng dễ… ra khi cần, mạng xã hội là kênh ưa thích của DN Khởi nghiệp.
Làm bài bản thì DN có thể thuê Agency làm chiến dịch marketing tổng thể, chạy Lead Ads để lấy Sales Lead (danh sách khách hàng tiềm năng), chạy Facebook Ads để bán hàng, tăng Like, làm video với content hấp dẫn cho các kênh Facebook hay YouTube.
Làm đơn giản thì tạo account Facebook cá nhân và vừa kết bạn vừa đăng hình sản phẩm của mình lên, khủng bố/tra tấn bạn bè hàng ngày bằng hình ảnh một lô thùng hàng mới ship về hay ảnh chính mình cười rạng rỡ bên… chai nước mắm (đừng giận họ vì họ nghĩ rằng ai cũng thích coi hình sản phẩm của họ ). “Cẩn thận” hơn chút xíu thì tha cho bạn mình, không post hình bán hàng trên account chính mà làm account fake và kết bạn + tham gia group để bán hàng với các công cụ tự động ngày càng tinh vi. Nhưng account fake thì khó kết bạn.
Một cách nữa (đang rất thịnh hành) là lấy toàn bộ thông tin và hình ảnh của một ai đó và lập account fake của họ, sau đó đi kết bạn sẽ nhanh hơn. Có khi lại còn mượn được tiền nạp thẻ điện thoại! Nếu bạn là DN Khởi nghiệp và định dùng Facebook để tiếp thị & bán hàng, cách tốt nhất là thuê Agency dù lớn hay nhỏ. Lý do “nguy hiểm chết người” là khi chính bạn dùng Facebook để bán hàng, bạn dễ sa đà vào nó! Ví dụ business của bạn quảng cáo bằng pano ngoài trời, sau khi lắp xong pano quảng cáo thì bạn sẽ đi về nhà chứ không ở lại chơi với mấy cái pano.
Nhưng Facebook thì không vậy. Khi bạn “làm” trên Facebook, các thông tin liên tục nhảy vào đầu bạn, thôi thúc bạn trả lời, comment, bấm Like, bấm Love… Và đủ thứ tình cảm từ hỉ, nộ, ái, ố… cũng đến từ cái… màn hình. Có khi sáng nay viết được một bài mình rất tâm đắc. Bỗng nhiên có người nhảy vào comment rất “ngu xuẩn”. Vậy là tức, phải comment lại, phải kêu 500 anh em vào cmt v.v… và v.v… và 20 phút online để post bài bán hàng của bạn bỗng biến thành 2 giờ comment, chat chít…Lý do là bản chất của mạng xã hội mục đích ban đầu là để tương tác nên nó tối ưu để ta tương tác với… xã hội. Vậy nên nếu dùng mạng xã hội để tiếp thị, nên thuê người khác làm.
2. Networking
Networking là kênh rất hiệu quả cho cả tiếp thị lẫn bán hàng của doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong khi doanh nghiệp lâu đời đã có được nhận biết về thương hiệu, nhận biết về chất lượng, có kênh phân phối và khách hàng cũ… thì doanh nghiệp khởi nghiệp có… quan hệ. Các mối quan hệ, cả online lẫn offline, là nơi dễ giới thiệu để bán SP/DV của DN khởi nghiệp.
Bạn không cần chọn các nhóm yêu thích văn thơ hay kết nối hai trái tim tan vỡ để tiếp thị lòng vòng. Offline thì hãy chọn những Group, CLB đến với nhau để cùng nhau bán hàng, tham gia hội chợ, triển lãm vì bản chất đó là cái chợ – market place. Online thì hãy vào các Group nghiêm túc và post bài vào phần dành riêng cho thành viên giới thiệu thông tin doanh nghiệp của mình. Đừng vào các Group “Hội mua bán ABC…bla… bla… bla…” mà trong đó chỉ toàn seller và post bài bằng tool tự động, không có người mua trong đó.
Điểm mấu chốt của Networking là gặp nhau trực tiếp. Chỉ cần một cái bắt tay và chào hỏi với người thật, quan hệ sẽ khác hẳn so với “tương tác online”, nhất là nếu bạn có ý định bán hàng cho họ sau này.
Đặc điểm của kênh Networking là giới hạn số lượng vì bạn không thể “quan hệ cùng lúc” hoặc “quan hệ liên tục” với nhiều đối tác. Nhưng trong giai đoạn khởi nghiệp, lượng khách hàng mang lại từ các mối quan hệ của chủ doanh nghiệp cũng đã đủ để duy trì và phát triển ban đầu.
3. SEM & ADS
Chạy quảng cáo là cách nhanh nhất để marketing. Với hàng núi việc của một chủ doanh nghiệp khởi nghiệp, chạy quảng cáo là cách hiệu quả để duy trì kênh marketing, mang lại đơn hàng cho doanh nghiệp trong khi ông chủ đang bận đi… giao hàng hay ngồi giải trình với thuế. Các kênh quảng cáo phổ biến gồm: Google Adwords; Facebook Ads; Zalo; Các “chợ online”: Vật giá, Chợ tốt…; Các báo/trang online: Mua bán, VN Express, Tuổi Trẻ, Thanh Niên…
Xem thêm : Những xu hướng marketing năm 2024 mà các doanh nghiệp cần quan tâm
Đối với từng ngành sẽ có các kênh marketing khác nhau. Nhưng trên bình diện chung, 3 xu hướng Social, Networking & chạy Ads quảng cáo sẽ được đa số doanh nghiệp khởi nghiệp Việt sử dụng trong năm 2024.
THỊ TRƯỜNG 4: EXPORT MARKETING (TIẾP THỊ ĐẾN KHÁCH HÀNG NƯỚC NGOÀI) & 3 XU HƯỚNG NĂM2019
Export Marketing là các hoạt động để tiếp thị hàng xuất khẩu đến khách hàng nước ngoài. Quen thuộc nhất là xuất khẩu gạo, nông sản, thủy hải sản, dầu thô, than đá… Tuy nhiên khi đi sâu hơn, xuất khẩu được phân biệt theo nhiều cách:
- Xuất khẩu hàng hóa, phân biệt với xuất khẩu dịch vụ, xuất khẩu phần mềm và một “mặt hàng” đặc biệt nữa là xuất khẩu lao động. DN Việt cung cấp DV ở nước ngoài như Viettel, Vietnamairlines… cũng gọi là xuất khẩu dịch vụ.
- Xuất khẩu của DN Việt, phân biệt với XK do các DN nước ngoài như Samsung, Canon sản xuất hàng ở VN nhưng xuất ra nước ngoài. XK của DN Việt là tiền của mình. XK của DN nước ngoài là tiền của… họ. VN chỉ thu tiền thuế và hưởng lợi từ việc cho thuê đất, tạo công ăn việc làm. DN Việt cũng có thể hưởng lợi từ việc nhận chuyển giao công nghệ và việc cung ứng đầu vào cho DN nước ngoài như ngành công nghiệp hỗ trợ.
- Xuất khẩu tại chỗ: là khi sản phẩm, dịch vụ được tiêu dùng bởi người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam, phân biệt với xuất khẩu ra nước ngoài. Xuất khẩu tại chỗ, rất đa dạng và gần gũi với chúng ta:
+ Shop bán hàng lưu niệm cho khách nước ngoài. Nhà hàng, khách sạn cung cấp dịch vụ ăn uống, lưu trú cho khách nước ngoài.
+ Sản xuất gia công, may gia công, làm phần mềm gia công cho nước ngoài.
+ Cho thuê đất công nghiệp, nhà xưởng công nghiệp để sản xuất (thường gọi là thu hút đầu tư nước ngoài)
Đối với shop và nhà hàng cho khách nước ngoài, cách marketing gần giống với marketing nội địa. Cái khó là kênh tiếp thị thay đổi theo ngôn ngữ và văn hóa của từng nhóm khách hàng phân theo quốc gia. Khách Hàn thích dùng Never để search thay vì dùng Google, khách Nga dùng Yandex. Còn khách Nhật thì ưa dùng quyển Sketch để tìm nhà hàng và dịch vụ. Vì vậy nên số Agency nhận làm marketing cho đối tượng này chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Ở đây chúng ta chỉ đề cập đến 3 xu hướng làm marketing xuất khẩu của doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng hóa truyền thống: nông sản, thủy hải sản, rau quả, trái cây, đồ gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ và gốm sứ, hàng dệt may & da giày. Các loại hình còn lại có cách làm marketing khác hẳn. Ví dụ ngành gia công xuất khẩu chỉ chuyên làm marketing 2P.
3 xu hướng nổi bật của marketing xuất khẩu Việt Nam năm 2024:
1. Kênh truyền thống và sự dịch chuyển “từng bước”
- Các mặt hàng truyền thống vẫn dựa vào các kênh các hàng chục năm nay:
Bán cho thương lái, bao gồm thương lái Việt Nam và thương lái nước ngoài, bao gồm cả thương lái Trung Quốc. - Bán cho các công ty Trading. Công ty Trading cũng là thương lái nhưng hoạt động bài bản hơn, có đăng ký kinh doanh và trụ sở văn phòng. Công ty Trading làm thương hiệu riêng để xuất hàng dưới thương hiệu của mình.
- Tham gia hội chợ triển lãm trong nước. Đây là kênh tiếp thị “vừa sức” với khả năng của chủ hàng nhưng hiệu quả cũng chỉ ở mức “local”.
- Tham gia hội chợ triển lãm nước ngoài: Hội chợ quốc tế là kênh hiệu quả nhất đối với các mặt hàng xuất khẩu truyền thống. Nếu sản phẩm tốt và nguồn hàng ổn định thì 1 năm nhà xuất khẩu chỉ cần tham gia 2 hội chợ triển lãm quốc tế chuyên ngành và sau đó về follow các đối tác đã gặp trong hội chợ. Các nước trên thế giới đều có ngân sách hỗ trợ nhà xuất khẩu của mình tham gia triển lãm để tăng cường xuất khẩu như: tài trợ 50-70% tiền tham gia gian hàng, tài trợ tiền vé máy bay và chi phí khách sạn, cử cán bộ chuyên trách đi cùng đoàn để hỗ trợ doanh nghiệp gặp các hiệp hội và các Buyer lớn mà tự doanh nghiệp không làm được… Nước nào cũng hiểu rất rõ đây là kênh tiếp thị bán hàng mang lại nguồn thu cho quốc gia nên hỗ trợ tối đa để doanh nghiệp bán được hàng. Đứng đầu thế giới về việc hỗ trợ nhà xuất khẩu là Trung Quốc với hàng loạt hoạt động hỗ trợ cho doanh nhân của mình xuất khẩu, cả chính thức lẫn không chính thức. Đây là đối thủ cạnh tranh “khó chịu” nhất của Việt Nam vì họ tranh mua nguồn hàng nguyên liệu của các công ty Trading người Việt và lại xuất ra thị trường thế giới chứ không chỉ mang về bán ở Trung Quốc.
Việt Nam cũng có đầy đủ các chương trình và chính sách hỗ trợ nhà xuất khẩu nhưng không thể hỗ trợ 100% các công ty. Vì vậy, các nhà xuất khẩu Việt Nam đã và đang có sự “dịch chuyển từng bước” để tự thân vận động. Đi đầu là ngành thủ công mỹ nghệ với những doanh nghiệp có đến hơn 30 năm kinh nghiệm tiếp thị ra “chợ trời thế giới” từ những năm 80, khi mà các ngành hàng khác chưa có gì để bán.
Các hoạt động sales & marketing mà doanh nghiệp xuất khẩu Việt đang tự triển khai bên cạnh các kênh truyền thống trên bao gồm:
- Website bán hàng:
Các bạn đừng cười khi đọc điều này! Có rất nhiều chủ doanh nghiệp xuất khẩu là triệu phú đô la và vẫn đang kinh doanh tốt không cần có website, vẫn dùng email Yahoo. Đơn giản là doanh nghiệp của họ đang chạy hết công suất nên chưa có nhu cầu triển khai thêm bất cứ thứ gì khác. Còn các doanh nghiệp mới hơn thì có quan tâm đến việc làm website. - Online Marketing:
Next level của website là làm online marketing. Ở Việt Nam nếu làm Online Marketing cho hàng xuất khẩu thì phải làm 5 thứ tiếng: Việt, Anh, Hoa, Nhật, Hàn. Tuy nhiên là tới tiếng Anh thôi là cũng “ráng lắm rồi”. Vấn đề không phải ở chi phí mà không có người “take care” và cũng ít có Agency nhận làm Online Marketing cho cả 5 ngôn ngữ. Còn đi thuê nhiều Agency khác nhau để làm Online Marketing, SEO, SEM trên cùng 1 website thì không ổn.
Cộng đồng Châu Âu, EU, có hẳn một cơ quan chuyên trách hỗ trợ doanh nghiệp XK từ 41 nước đang phát triển để XK vào châu Âu sao cho “đúng cách” và đào tạo 1 năm 2 đợt tại Việt Nam về Online Marketing cho xuất khẩu, hoàn toàn miễn phí. Các bạn search CBI.
- Business Matching & Team-Up:
Hoạt động marketing xuất khẩu hiệu quả nhất vẫn là “xách túi – bê đồ” đi bán hàng. Doanh nghiệp tự set-up cuộc hẹn với khách hàng nước ngoài và đi một chuyến gặp 5-7 đối tác ở một thị trường. Tuy nhiên khi tự đi thì khó hẹn gặp các Buyer lớn và các tổ chức, hiệp hội của nhà nhập khẩu. Lúc này các doanh nghiệp xuất khẩu team-up, gom lại với nhau đi theo đoàn để hẹn gặp được đối tác.
2. Các “chợ trời quốc tế” – Listing Sites / Online Market Places
Kênh “listing” là kênh không thể thiếu khi làm marketing xuất khẩu. Nếu như trong nước bạn đăng tin trên Vật Giá hay Chợ Tốt thì trên thị trường thế giới cũng có những site như vậy. Ví dụ như GlobalSources, EC21 và Alibaba. Còn mỗi ngành hàng và mỗi quốc gia lại có kênh riêng. Ví dụ bán hàng cho Nhật Bản thì listing trên site TTPP, người Nhật sẽ kiểm tra rất kỹ trước khi đăng thông tin cho bạn. Nhưng bù lại thì họ đăng miễn phí và chỉ cần gửi tiếng Anh, sẽ có người dịch ra tiếng Nhật “chuẩn không cần chỉnh” cho bạn.
Đa số các kênh listing đều có chi phí thấp nhưng phải có người phụ trách. Còn nếu bận thì Alibaba là kênh thuận tiện nhất. Alibaba có đại lý tại Việt Nam và bạn chỉ việc trả tiền. Chi phí listing từ 31-135tr/năm.
3. Hội thảo và sự kiện
Sau kênh (1) truyền thống; (2) Online Market Places là kênh hội thảo và sự kiện như đã đề cập ở phần “tự thân vận động” của doanh nghiệp. Kết hợp tốt với Online Marketing, kênh hội thảo và sự kiện cho phép doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận khách hàng quanh năm mà không cần đầu tư quá nhiều. Công thức chung như sau:
Website bán hàng -> Online / Digital Marketing / Global SEO & SEM -> Hội chợ triển lãm -> Business Matching / One on One Meeting -> Following-Up (Email Marketing / Visiting) -> Selling.
Ngoài 3 xu hướng nổi bật trên, không ít nhà xuất khẩu chọn cách ra nước ngoài mở công ty để tiếp cận trực tiếp với thị trường nhập khẩu, đồng hành với nhà phân phối của mình ở nước ngoài. Một số công ty chọn một trung tâm của khu vực (Hub) như Singapore để đặt văn phòng giao dịch. Hiện nay, các thành viên của CLB QTvKN quan tâm đến vấn đề này có thể liên hệ các Ban Pháp lý, Ban Xúc tiến thương mại của CLB để được hỗ trợ.
Trên đây là bản đầy đủ 3 xu hướng marketing cho 4 thị trường riêng biệt được anh Nguyễn Thăng Long | Export Marketing Trainer – Vinalink Academy tổng hợp và chia sẻ, hi vọng đây sẽ là bài viết hữu ích dành cho nhiều doanh nghiệp nói chung và những ai đang làm marketing nói riêng. Chúc các bạn thành công.